Thời gian làm việc 8h - 17h từ Thứ 2 đến thứ 7 - Hotline: 0963466651

XE NHẬP HẾT CỬA HẠ GIÁ

Ngày 20.10, Hiệp hội các nhà sản xuất xe Việt Nam họp khẩn, các doanh nghiệp nhập khẩu cũng nháo nhào khi thông tin về loạt quy định mới về kinh doanh nhập khẩu ôtô xuất hiện trên mặt báo. Hàng rào kỹ thuật bảo hộ xe nội chặn đứng khả năng xe nhập giá rẻ tràn về Việt Nam chính thức thành hình và người tiêu dùng sẽ phải “tỉnh lại” thay vì tiếp tục mơ xe nhập đại hạ giá.

Nguy cơ tạm ngưng nhập nhiều loại xe sau 1.1.2018

Trao đổi với báo Lao Động, ông Võ Tuấn Anh – Tổng giám đốc Volkswagen Việt Nam – thừa nhận chưa hết “choáng” với loạt quy định mới. Ông Tuấn Anh cho rằng nghị định 116/2017/NĐ-CP, Quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô không chỉ có nhiều quy định “gây khó” cho DN mà còn khó vì thời điểm áp dụng.

Cụ thể, nghị định này được ký ngày 17.10 và có hiệu lực ngay lập tức chứ không có bất cứ độ trễ nào và DN nhập khẩu chỉ có hơn hai tháng để xoay đủ các loại giấy tờ theo quy định nếu không muốn bị tạm ngưng nhập khẩu sau ngày 1.1.2018. Trong khi đó, các loại giấy phép này rất khó thu xếp chỉ trong thời gian ngắn.

Theo nghị định 116, để kinh doanh ôtô nhập khẩu, cả xe chưa qua sử dụng lẫn xe đã qua sử dụng, DN tại Việt Nam phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh DN được quyền thay mặt DN sản xuất lắp ráp ôtô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi xe tại Việt Nam và phải được cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự.

Nhận xét về loại giấy phép này, ông Phạm Anh Tuấn – Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam ( VAMA) cho rằng “chỉ có ở Việt Nam” còn ông Nguyễn Tuấn – Giám đốc công ty TNHH Thiên Phúc An – khẳng định kiếm loại giấy phép này còn khó hơn giấy uỷ quyền nhập khẩu xe được quy định trong thông tư 20 trước đây.

Không chỉ vậy, các đơn vị nhập khẩu sẽ phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô do Cục Đăng kiểm cấp – loại giấy phép vẫn đang trong trạng thái bị khai tử cùng thông tư 20.

Liên quan tới giấy chứng nhận này, một số DN cho rằng hơn hai tháng là không đủ cho DN cũng như cơ quan chức năng bởi bộ GTVT sẽ phải ban hành thông tư mới về loại giấy chứng nhận này.

Xe nhập hết cửa hạ giá - Ảnh 1.

Giấc mơ mua xe nhập khẩu giá rẻ của người Việt sẽ gặp khó khăn. Ảnh: A.C

 

“Rừng” hàng rào kỹ thuật, giá xe hết cửa giảm

Không chỉ đau đầu để “chạy giấy tờ” trong hai tháng tới, các DN cũng sẽ mệt trong bài tính về giá xe cũng như thủ tục nhập và kiểm định xe bởi ôtô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, thử nghiệm theo quy định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng lô nhập khẩu. Mỗi lô xe nhập về sẽ phải lấy mẫu đem đi kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.

Khi tiến hành kiểm tra thử nghiệm, DN nhập khẩu ôtô còn phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài, bản chính phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của DN sản xuất lắp ráp ôtô nước ngoài cấp cho từng ôtô.

Ngoài ra, thời gian bảo hành bắt buộc với xe nhập cũng tăng lên khi xe con chưa qua sử dụng phải được bảo hành 3 năm hoặc 100.000km còn với ôtô đã qua sử dụng là hai năm hoặc 50.000km.

Nhận định về các quy định này, ông Nguyễn Tuấn – Giám đốc công ty TNHH Thiên Phúc An – cho rằng chi phí trên mỗi đầu xe nhập sẽ tăng đáng kể bởi việc kiểm định, thử nghiệm xe kéo dài không dưới hai tháng mà tốn thời gian nhất là thử nghiệm khí thải. Các đơn vị nhập dù ở Hải Phòng, TPHCM sẽ phải mang xe tới trung tâm thử nghiệm của Cục Đăng kiểm ở Hà Nội để kiểm định và trong thời gian chờ kiểm định các lô xe nhập sẽ “kẹt cứng” ở cảng đẩy chi phí lên cao.

“Đây thực sự là một hàng rào kỹ thuật để giảm lượng xe nhập bởi dù nhập lẻ hay nhập nhiều DN đều phải mang xe đi kiểm định. Do đó, phải nhập lượng cực lớn mới có lợi thế mà như vậy đòi hỏi vốn cực lớn và thời gian “vốn chết” cũng kéo dài” ông Tuấn nhận xét. Một số DN khác cũng nhận định đây là một quy định gây lãng phí cho DN và xã hội để rồi đổ vào giá xe vì “cùng một mẫu xe, cứ mỗi một lô nhập về lại kiểm định bằng đấy thủ tục và DN vừa mất thời gian vừa tốn đủ loại chi phí từ thử nghiệm, bến bãi tới lãi ngân hàng” – đại diện một liên doanh nhập xe khẳng định.

Được biết, chi phí kiểm định xe trọn gói từ thử khí thải, độ bền về phanh, động cơ… không dưới 100 triệu/xe. Do đó, các chuyên gia cho rằng khách hàng “đừng mơ giá xe giảm khi thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm”, giá các dòng xe nhập từ các thị trường khác thậm chí sẽ tăng lên vì chi phí đội lên và thuế nhập khẩu không giảm.

Một số chuyên gia cũng nhận định quy định mới này dường như là con bài “giải cứu” cho xe nội, ngăn chặn làn sóng xe nhập có thể ồ ạt vào Việt Nam năm 2018 và không va với các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia.

“Các DN sản xuất xe trong nước lớn sẽ được bảo hộ nhưng giá xe khó giảm thêm sau ngày 1.1.2018” – một chuyên gia dự đoán. Hiện nay thị trường xe gần như “đóng băng” khi người tiêu dùng có xu hướng ngồi chờ giá xe giảm. Hầu hết các hãng xe đều phải giảm giá sốc để đẩy hàng tồn, mức giảm cho mỗi đầu xe có khi lên tới vài trăm triệu đồng. Việc ban hành nghị định 116 có thể sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường xe trong thời gian tới.

Quy mô không đủ lớn, DN lắp ráp xe cũng sẽ gặp khó

Không chỉ các DN nhập khẩu xe, các liên doanh lắp ráp xe cũng “đau đầu” khi nghị định 116 tăng thời gian bảo hành và yêu cầu các nhà máy sản xuất xe phải có đường thử thẳng dài tối thiểu 400m. “Để đáp ứng yêu cầu này, nhà máy sản xuất sẽ phải có diện tích khoảng 25ha và đây sẽ là bài toán khó cho các nhà máy ở các thành phố”, một quan chức VAMA nhận định.